2007/09/19

QUÂN ĐỘI VÀ CHÍNH TRỊ

Quân Ðội và Chính Trị

Đỗ Văn Phúc
Ðể trả lời câu hỏi: các hội Cựu Quân Nhân có nên tham gia hoạt động chính trị không?


Không riêng cựu quân nhân, mà bất kỳ một đoàn thể nào sinh hoạt trong xã hội cũng đều có quyền và có nghĩa vụ tham gia vào các hoạt động chính trị địa phương hay cao hơn vào hoạt động chính trị của quốc gia. Danh từ Chính Trị từ lâu đã bị hiểu bó hẹp trong phạm vi tranh chấp quyền lực trong chính quyền và mang ý nghĩa không hay về những màn ma nớp do những nhà chính trị chuyên nghiệp tạo ra. Thực ra chính trị có tính cách tổng quát và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi khía cạnh sinh hoạt chung.

Chính Trị Là Gì?
Theo quan niệm triết học Ðông phương có từ ngàn xưa, Chính (政) là ngay thẳng, Trị (治) là sửa đổi. Chính trị là sưả đổi, làm cho ngay thẳng. Các nhà Nho học xưa tâm niệm về con đường hoạt động của kẻ sĩ: “Cách vật, Trí tri, Tu thân, Tề gia, Trị quốc , Bình thiên hạ.” Từ thấp lên cao, kẻ sĩ phải học hỏi để hiểu biết về khoa học tự nhiên, rèn luyện tư duy (Cách vật, Trí tri), tu sửa bản thân, học hỏi điều đạo đức, chỉnh đốn gia đình nề nếp (Tu thân, Tề gia), sau đó đem sở học ra giúp đời, phục vụ đất nước, bình định cả thiên hạ (Trị quốc, Bình thiên hạ). Chính trị không gói gọn trong công việc nhà nước đơn thuần về hành chánh, mà bao gồm nhiều lãnh vực: kinh tế, văn hoá, xã hội...là đóng góp làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn dù đang ở trong địa vị xã hội nào. Một vị thức giả mở trường dạy học là đào tạo nhân tài trong tương lai; một nhà nông có sáng kiến trong việc canh tân, phát triển nông nghiệp; một tu sĩ rao giảng điều lành, một hiệp sĩ đứng ra bảo vệ kẻ yếu trước cường hào: tất cả đều là công việc chính trị. Xưa, vua Vũ đắp đê ngăn nước lụt sông Hoàng Hà cũng là công việc chính trị (Trị Thủy). Vậy chính trị là công việc chung của mọi tầng lớp trong xã hội để làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Quan niệm của Tây phương cũng không khác là bao. Chữ Chính Trị (Politics) do từ chữ POLIS của Hy Lạp, nghĩa là “đô thị”. Hàng ngàn năm trước đây, khi toàn thế giới còn ở trong tình trạng hoang dã, thì trên mảnh đất Hy Lạp (Greece) ngày nay, có những tổ chức quốc gia nhỏ bé tầm cở những đô thị. Họ gọi là Quốc gia Ðô thị (City-States), với dân số chừng vài ngàn người. Quốc gia đô thị theo chế độ Cộng hoà (Republic) mà theo sự phân loại của Platon là chế độ tốt đẹp nhất, vì mọi người cùng tham gia thảo luận quyết định trên cơ sở quyền lợi chung của tất cả công dân. Do tính chất nhỏ bé của Quốc gia đô thị, chế độ cộng hoà đã được thực thi nghiêm chỉnh bảo đảm cho mọi công dân hành sử quyền mình. Từ đó, chữ chính trị được quan niệm là công việc điều hành chung của tập thể xã hội. Tại Hoa Kỳ, chính trị là công việc điều hành từ Hạt (county), thị xã (city), lên đến Tiểu bang, Liên bang. Cũng là công việc điều hành trong các tổ chức, hội đoàn nhằm cải thiện sinh hoạt, đòi hỏi chính đáng cho những nguyện vọng cá nhân, tập thể. Người cầm quyền làm chính trị là thi hành chức năng hiến định của mình đem lại an cư, bảo đảm dân sinh. Ngược lại người công dân làm chính trị là đóng góp ý kiến qua báo chí, thỉnh nguyện, qua hình thức lobby, qua bầu cử, ứng cử. Họ tổ chức meeting, biểu tình, tham gia những cuộc chạy bộ, đua xe để biểu lộ ý kiến về bất cứ đề tài gì trong cuộc sống: Phá thai hay bảo vệ hài nhi, ủng hộ hay chống sự đồng tính luyến ái, bảo vệ môi sinh chống ô nhiễm, đòi hỏi một tỉ lệ nhập học cho thành phần giới tính, chủng tộc mình.... Nói chung là tất cả, tất cả những gì liên quan trong đời sống đều là đề tài cho sinh hoạt chính trị.

Con Người và Chính Trị
Là một phần tử căn bản của xã hội, ngay khi sinh ra, lớn lên, con người dù muốn dù không đã là một chủ thể, vừa là một đối tượng của sinh hoạt chính trị. Dù sống giữa đô thị lớn ồn ào chen chúc, hay lánh mình về một thôn xóm hẻo lánh, con người, với tư cách công dân, không thể thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của mọi sinh hoạt chính trị trong nuớc, cũng như những biến chuyển trọng đại của thế giới Có những phạm trù về chính trị diễn biến theo thứ tự như sau:

Ý thức Chính trị (Consciousness):
Biết phân biệt cái đẹp, cái xấu; biết điều này là thiện, điều kia là ác; biết điều đúng, điều sai, con người đã có một ý thức chính rị. Ða số con người có tư tưởng hướng thượng, mưu cầu điều tốt đẹp cho bản thân và tha nhân. Nhờ nhận thức, con người nhìn vào chính quyền, vào xã hội mà phán xét đúng sai dựa trên trình độ và quan điểm của mình. Ý thức chính trị do tự bản năng cảm nhận và được bồi dưỡng thông qua sự giáo dục của hệ thống xã hội. Vì thế, nó không thể nào không bị uốn nắn theo chiều hướng chung của xã hội qua tập đoàn cầm quyền thống trị. Hàng chục năm cầm quyền ở miền Bắc, bọn Cộng sản đã nhào nặn ra những thế hệ có những ý thức chính trị sai lạc, mù quáng để dễ bề sai khiến. Cái ý thức này ăn sâu đến nỗi sau 1975, nhiều người miền Bắc vào Nam, nhìn thấy rõ mặt thật của hai chế độ, mà vẫn khăng khăng bào chữa cho Cộng sản, vì quả thực thì phân tích, nhận thức cái đúng cái sai cũng chờ một quá trình chuyển hướng và cọ xát với sự thực.

Lập trường Chính trị (Standpoint):
Sau khi có ý thức, con người sẽ phải lựa chọn cho mình một cách dứt khoát giữa những khuynh hướng khác nhau, xác định lập trường (standpoint) là đứng hẳn về một phía mà mình cho là hay nhất (take side). Anh có thể cho điều không tốt đối với tôi là hay tốt đối với anh. Ðược thôi, đó là sự lựa chọn cá nhân của anh (personal choice), điều căn bản của chế độ dân chủ. Vì anh là một chủ thể, anh có quyền lựa chọn riêng dựa trên hiểu biết và suy luận của anh. Có nhiều trường hợp, anh có thể đứng trung lập (neutral), nhưng cũng trong nhiều trường hợp khác, anh phải chọn một, chỉ một mà thôi; ví dụ giữa Cộng sản và Tự do, không có con đường trung dung.

Thái độ Chính trị (Behaviour):
Sự ra đi của một triệu đồng bào miền Bắc vào Nam năm 1954, sự vượt thoát của hàng trăm ngàn đồng bào miền Nam sau 1975 dù qua bao hiểm nguy trên biển cả, trăm phần chỉ có một phần sống, là biểu hiện thái độ chính trị với chính quyền Cộng sản. Trong các trại giam, anh em ta làm việc cầm chừng, miễn cưỡng hay phá hoại ngầm cũng là biểu hiện thái độ chính trị. Nói chung, đã có ý thức và lập trường là phải có thái độ. Thái độ có khi cần biểu lộ tích cực, có khi tiềm ẩn qua sự chịu đựng nhưng bất phục mà Cộng sản thường gọi là: “nín thở qua sông.”

Nhiệm vụ Chính trị và Hoạt động Chính trị (Obligation and Activities):
Ðây là điểm mấu chốt gây nhiều tranh cải nhất. Thông thường, người ta hiểu hoạt động chính trị là tham gia các đoàn thể. đảng phái, đấu tranh vào chính quyền dành cho mình quyền lực. Nhu cầu quyền lực (Need for Power) là tất yếu cũng như nhu cầu hiển đạt của cá nhân (Need for Achievement). Trong sinh hoạt tại các quốc gia dân chủ, luôn luôn có những Chính đảng (Political Parties) và những Ðoàn thể áp lực (Pressure Groups/ Interest groups). Chính đảng có tính cách toàn dân, là tập hợp những người chung khuynh hướng chính trị, thực hiện ba chức năng chính: Giáo dục quần chúng, đấu tranh dành quyền lực, và thực thi chương trình hành động của mình. Ðoàn thể áp lực hay còn gọi là đoàn thể quyền lợi, đại diện cho quyền lợi nhóm, thành phần xã hội, không có mục tiêu dành chính quyền, mà chỉ áp lực tranh đấu cho quyền lợi cá biệt của tập thể mình. Tại Mỹ, ta thấy có những đoàn thể lớn như các Công đoàn đại diện cho quyền lợi từng loại công nhân, đến các hội nhỏ như hội săn bắn, câu cá... Họ vận động (lobby) với lập pháp tại các cấp để đòi hỏi cho mình những quyền lợi. Có khi quyền lợi đó chỉ là sự thoải mái trong vấn đề giải trí thôi. Nhưng dù ít dù nhiều, các hội đoàn cũng rất có ảnh hưởng trong các cuộc tranh cử hành pháp, lập pháp các cấp.
Ngay cả khi không đứng trong một đoàn thể nào, cũng là một sự biểu hiện thái độ chính trị; và khi đã lên tiếng về một vấn đề nào, thì đó là một hành động chính trị. Chính đảng hoạt động qua việc tuyển mộ, tổ chức, giáo dục chính trị cho đảng viên và quần chúng. Vì thế phải có cương lĩnh sắc bén, có kỷ luật cao độ. Ðoàn thể thì tập họp trên cơ sở nội quy, có chương trình gọn nhẹ và hạn chế.

Cựu Quân Nhân và Chính Trị
Khi còn trong quân ngũ, chúng ta thường nghe kêu gọi rằng quân đội không làm chính trị. Ðiều đó có nghĩa rằng tập thể quân đội không phải là một chính đảng để ra tranh quyền, ứng cử vào các chức vụ hành pháp, lập pháp. Vì quân đội là công cụ của quốc gia để bảo vệ lãnh thổ, giữ gìn an ninh cho dân chúng. Quân đội hoàn toàn đứng ngoài, hay đứng trên hết thảy mọi đảng phái. Dù đảng nào cầm quyền, Ðại Việt, Cần Lao, Dân Chủ, quân đội vẫn tuân hành mệnh lệnh của nguyên thủ quốc gia mà theo hiến pháp là Tổng tư lệnh quân đội. Quân đội không làm chính trị là không một ai có thể nhân danh quân đội ra tranh cử, cũng như quân dội không đề cử ai đại diện mình trong các cuộc bầu cử. Quân đội đứng ngoài mọi tranh chấp quyền lực với các đoàn thể, đảng phái. Quân đội không theo thuyết Tam dân, chẳng theo thuyết Dân tộc sinh tồn, mà chỉ có một lý tưởng chung là phục vụ Tổ quốc và Dân tộc. Bất cứ quân đội nào cũng phải có một ý thức chính trị rõ rệt. Ðó là ý thức dân tộc; và phải thi hành một nhiệm vụ chính trị, đó là bảo quốc an dân. Trong thế tranh chấp Quốc Cộng, quân đội khẳng định lập trường chính trị của mình là đứng về phía dân tộc chống chủ nghĩa quốc tế, đứng về hữu thần chống vô thần, đứng về đạo lý truyền thống chống lại lý thuyết phi nhân. Ngoài dũng cảm chiến đấu nơi chiến trường, quân đội phải lo thu phục nhân tâm, đấu tranh địch vận kêu gọi cán binh cộng sản quay về với chính nghĩa quốc gia; tự củng cố để chống lại binh vận cộng sản vốn dùng mọi thủ đoạn vừa khủng bố, vừa mua chuộc, gài bẫy để ép buộc quân sĩ ta theo chúng.
Trong những quốc gia đang phát triển, quân đội đảm nhiệm vai trò quan trọng hơn hết các thành phần khác; vì quân đội là một tập hợp có tổ chức, có kỷ luật, bao gồm những thành viên ưu tú, trẻ trung. Quân đội thu nhận được trình độ kỹ thuật cao, nắm giữ chìa khoá của khoa học kỹ thuật tân tiến. Hơn nữa quân nhân là những người đầy nhiệt huyết, biết hy sinh, có lòng dũng cảm, có tinh thần cách mạng cao độ. Vì thế, khi tình thế đòi hỏi quân đội phải đứng ra lãnh nhiệm vụ lãnh đạo đất nước. Ðiều này đã xảy ra tại Ðại Hàn, Thái Lan, Hồi quốc, Việt Nam... Tự quân đội như thế đã mang bản chất chính trị. Vì vậy, quân đội ta mới thành lập Tổng cục Chiến tranh Chính trị với các sĩ quan có trình độ văn hoá, xã hội cao để nắm vai trò tác động tinh thần trong các đơn vị, đối phó với cộng sản trong cuộc chiến tranh mang màu sắc ý thức hệ. Không may ta bị thua ván cờ do sự tráo trở của đồng minh, để đất nước lọt vào tay bọn quỷ đỏ. Nhiệm vụ chúng ta không thể dừng lại. Trong trại tù, hay khi ra ngoài xã hội đầy rẫy xấu xa của Cộng sản, anh em quân nhân vẫn không ngừng đấu tranh. Tự bản thân là nung rèn ý chí bất khuất, đấu tranh chống lại cái lạnh, cái đói, thèm khát để không đầu hàng giặc. Xa hơn là động viên nhau, thương yêu đùm bọc, chia xẻ cho nhau để cùng nhau chống chỏi qua ngày tháng dài khổ đau, tủi nhục. Xa hơn nữa là khi tiếp xúc với quần chúng, giữ gìn tư cách, lập trường, làm sánh tỏ chính nghĩa quốc gia, vạch trần thủ đoạn bỉ ổi của cộng sản.
Ngày nay, định cư trên đất tạm dung khắp nơi trên thế giới, chúng ta khẳng định mình không phải là loại di dân kinh tế, tha phương cầu thực. Chúng ta vì hoàn cảnh đất nước phải tị nạn tại hải ngoại, lúc nào cũng ngóng về quê hương, góp phần gián tiếp hay trực tiếp cho phong trào đấu tranh dành lại chủ quyền. Ðiều này không những đúng cho cựu quân nhân, mà còn đúng cho tất cả những ai bỏ nước ra đi từ sau ngày quốc hận 30-4-1975. Chúng ta không những còn nhiệm vụ với tổ quốc dân tộc, mà còn nhiệm vụ với đất nước tạm dung, nơi mà một phần chúng ta, hay con cháu chúng ta sẽ nhận làm quê hương mới. Ðối với tổ quốc Việt Nam, chúng ta - ngày nay có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc - lẽ nào lại làm ngơ trước cảnh cùng cực của nhân ta ta còn ở lại bên kia bờ đại dương đang từng ngày quằn quại trong đau thương tủi nhục. Chúng ta lẽ nào quên hình ảnh những bà mẹ tuổi đã già mà hàng ngày phải làm quần quật kiếm miếng ăn. Chúng ta lẽ nào quên được hàng triệu trẻ em không được đến trường, phải lang thang đầu đường xó chợ lượm phế phẩm từ các đống rác để nuôi than. Bao em đã phải sa vào giới lưu manh cướp giật. Chúng ta lẽ nào quên các thiếu nữ Việt Nam xinh tươi không có tương lai mà phải bán mình cho bọn nhà giàu mới, bọn ngoại nhân, bọn Việt kiều phản động. Ai dửng dưng trước cảnh khổ đau của đồng bào, chiến hữu, bạn bè, thân nhân thì không xứng đáng làm người. Chúng ta không còn đủ sức lực đóng góp vào các phong trào phục quốc, thì hãy góp phần đấu tranh cho nhân quyền, hay ít ra không làm gì để nuôi sống thêm cái chế độ phi nhân tàn bạo Cộng sản. Nhiệm vụ chúng ta còn là giáo dục con cái hướng về quê hương, mong có ngày đem sở học về xây dựng lại quê hương quá điêu tàn... Biết bao điều mà chúng ta không cần phải tham gia đoàn thể nào cũng có thể làm được cho một Việt Nam trong tương lai. “Ðừng chê việc nhỏ mà không làm.” Ðối với Hoa kỳ, nơi đã rộng lòng cưu mang hơn nửa triệu dân Việt; thì đối lại ta phải làm việc. đóng thuế. Ðã đóng thuế, chúng ta lại có quyền hưởng phúc lợi khi khó khăn và quyền góp ý kiến cho chính quyền tốt hơn lên. Muốn thực hiện hai thứ quyền nói trên, ta phải tham gia vào sinh hoạt chính trị địa phương. Chỉ vài chục năm trước đây thôi, người da đen và Mexico còn bị kỳ thị bởi luật pháp của người da trắng. Do sự đấu tranh bền bỉ, mà ngày nay họ được bình đẳng. Xã hội Hoa Kỳ dân chủ thật đấy, tự do thật đấy, nhưng cái guồng máy thư lại khổng lồ khó bảo đảm được mọi sự hoàn chỉnh. Chúng ta không những đấu tranh để “có được” mà còn đấu tranh để “duy trì” điều có được. Tại sao các trường học có chương trình song ngữ cho học sinh Mexico, tại sao có tỷ lệ cho dân da đen vào đại học, mà dân ta với số lương gần 15000 người tại Austin, với tỷ lệ từ 15% đến 30% tại một số trường trung học, tiểu học, lại không đòi cho được chương trình song ngữ? Tại sao chúng ta không có nhân viên cảnh sát Việt Nam để bảo vệ an sinh của người Việt, tạo nhịp cầu giữa cư dân và chính quyền? Ðó là những vấn đề chính trị địa phương mà dân ta hầu như ít quan tâm đến. Luật chơi dân chủ Hoa kỳ là “Cho và Lấy” (give and take), muốn có quyền lợi, phải đóng góp, phải lên tiếng. Ði bầu là một sự “cho” có hiệu quả lớn, chúng ta nhớ rằng đôi khi cử tri phải quyên góp tiền để ủng hộ cho ứng cử viên mình chọn. Có thế, khi họ đắc cử, mình mới yêu cầu họ giải quyết vấn đề của mình nêu ra. Hãy nhớ chính cựu tổng thống George Bush đã nói rằng cộng đồng Việt Nam không đủ mạnh để áp lực chính quyền Mỹ về các vấn đề Việt Nam. Một sự kết hợp, một thư thỉnh nguyện, một giờ đi bầu, một dollar đóng góp là những hành vi chính trị cần thiết để tự bảo vệ lấy quyền lợi chính đáng của mình. Ðó. làm chính trị là như thế, anh em cựu quân nhân không nhất thiết phải nắm vai trò tiên phong trong sự nghiệp quang phục quê hương, mà có thể góp phần nhỏ nhoi của mình qua việc tương trợ anh em mới qua, anh em có khó khăn trong đời sống. Ðoàn kết nhất trí là hai điều kiện lớn nhất hiện nay của những người từng chiến đấu chung chiến hào, tạo được tiếng nói có trọng lượng để hỗ trợ cho các phong trào đòi Cộng sản Hà Nội trả lại quyền sống cho dân tộc Việt Nam.

CUU DAI UY DO VAN PHUC

Sinh năm 1946 tại Quảng Trị. Học sinh Nguyễn Hoàng từ năm 1957-1964.
Tốt nghiệp khoá 1, Đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt;
Thủ khoa Cử nhân Chính trị học, Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn;
Kỹ sư Điện Tử, Đại học Texas, Austin,
Thạc Sĩ Quản Trị Công nghiệp, Đại học Kỹ Thuật Quốc Gia Hoa Kỳ (Colorado).
Hiện cư trú tại Austin, Texas.

Binh Nghiệp ngắn ngủi:
1965-1966: Thông Dịch Viên, Counter Terrorism Program, Quang Tri
11/1966- 5/1969: Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, Đà Lạt
5/1969-12/1971: Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Bình Dương
1/1972-4/1974: Sư Đoàn 2 Không Quân, Phan Rang
21/4/1974: Giải ngũ cấp độ tàn phế 70%

Qua các trại tù:
Long Khánh (1975-1976), Suối Máu (1976-1978), Hàm Tân Z-30C (1978-1979), Xuân Phước A-20 (1979-1985)

Huy Chương
1Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu
1 Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Vàng
1 Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Bạc
3 Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Đồng
Chiến Thương Bội Tinh
Tham Mưu Bội Tinh
Chiến Trường Ngoại Biên Bội Tinh
Quân Phong Bội Tinh hạng 5
Dân Vụ Bội Tinh hạng 1
Quân Vụ Bội Tinh hạng 5
Chiến Dịch Bội Tinh
2 Tưởng Lục cấp Lữ Đoàn

3 comments:

SQTB K10B/72 THSQ-QLVNCH said...

Sinh năm 1946 tại Quảng Trị. Học sinh Nguyễn Hoàng từ năm 1957-1964. Tốt nghiệp khoá 1, Đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt; Thủ khoa Cử nhân Chính trị học, Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn; Kỹ sư Điện Tử, Đại học Texas, Austin, Thạc Sĩ Quản Trị Công nghiệp, Đại học Kỹ Thuật Quốc Gia Hoa Kỳ (Colorado). Hiện cư trú tại Austin, Texas.

Anonymous said...

Bài viết rất hay .Cám ơn Ðại úy Ðổ văn Phúc .Hy vọng trong tương lai chúng tôi được đọc thêm nửa các bài viết khác của ông .
Kính chào ông .
Hung Pham
(hungphamm@yahoo.com)

SQTB K10B/72 THSQ-QLVNCH said...

Xin vui long chuyen loi nhan nay den tac gia Đỗ văn Phúc:
Thưa ông Phúc, chung toi hoàn toàn đồng ý với ông qua bài viết Quân Đội và Chính Trị.
Quả thật, ở vùng San Jose tôi, các hội đoàn quân đội nhiều lắm, nhưng khi cần đi biểu tình chống cán bộ và quan chức VC trong nước ra, hoặc để lên án chúng hay biểu tình chống đối việc bắt bớ giam cầm các vị đấu tranh trong nước thì chẳng bao giờ thấy họ cả. Họ cho rằng hội đoàn quân đội của họ chỉ là hội Ái hữu mà thôi, hàng năm họp mặt tổ chức nhảy đầm gọi là Đêm Không Gian chẳng hạn.Chúng tôi là đàn bà mà còn thấy bất nhẫn vì sự phi nhân bạo tàn của csVN, cũng phải cố gắng thu xếp việc nhà đi biểu tình để tố cáo mặt thật của chúng cho dân điạ phương biết, để yêu cầu các vị dân biểu nghị sĩ can thiệp. Trong khi các ông cựu sĩ quan QLVNCH, từng chiến đấu vì lý tưởng Tự Do nay lại mũ ni che tai (tôi không chê trách các vị già cả bệnh tật) không cần biết quê hương như thế nào dưới bàn tay cai trị của cs. Xin ông và những sĩ quan có tâm huyết vui lòng cổ động thêm để tập thể cựu quân nhân hăng hái tích cực tiếp tay với các đoàn thể chống cộng ở địa phương mình.
Kính cám ơn.
Nguyễn thị Quảng Bình
San Jose