2007/09/13

SVSQ Khóa 4/72B Bài Viết

LÊ VĂN THẮNG
Tiểu Ðoàn 249 Ðia Phương Bình Thuận
( Cựu học sinh TH.PBC 65-72)
–––––––––––––––––––––––––––

Tôi sinh ra và lớn lên tại Mũi Né _ một địa danh chung cho hai xã: Khánh Thiện và Thạch Long. Nhà tôi ở Thạch Long. Nhà Ngoại tôi ở Khánh Thiện. Hai nơi đều là nơi tôi sinh sống nhiều năm nên thuở thiếu thời của tôi dính liền với cả hai nôi này.

Như Thanh Tịnh viết trong “Ngày Tựu Trường” rằng “...lúc ấy, tôi chưa biết ghi và lớn lên, tôi không nhớ hết ...”. Mặc dù quê hương tôi là Mũi Né, là Phan Thiết, là Bình Thuận, nhưng tôi không biết nhiều về quê hương của mình, vì thuở nhỏ, tôi chỉ lo học và không để ý tới những gì khác. Khi lớn lên, tôi xa Mũi Né, xa Phan Thiết và Bình Thuận. Ngày trở lại quê hương thân thương là những ngày quê hương mình sống trong sự hấp hối.

Khi muốn viết về Phan Thiết, tôi không có nhiều dữ kiện để viết. Tôi chọn cách viết theo lối tự truyện để trải dài tâm tình mình trong một khía cạnh nào của cuộc sống. Có những việc trong bài này không thuộc về quê hương Bình Thuận nhưng từ đó, chính chúng ta sẽ so sánh với Bình Thuận để tự hào về quê hương biển mặn của mình.

Ðã là tự truyện thì khi viết ra, có những điều vì quá thật nên dễ va chạm với những người muốn che dấu hay không thừa nhận sự thật, hoặc đã thừa nhận sự thật nhưng cho rằng không nên viết thế này hay thế kia. Theo tôi, nhiều người đang thực hiện giấc mơ giải phóng quê hương Việt Nam. Họ càng nên ghi nhận sự thật. Ngày mai, khi hoàn thành một trách nhiệm quan trọng, họ phải làm một cái gì hoàn toàn tốt đẹp hơn, chứ không phải chỉ làm một cái gì tốt hơn chút xíu là đủ.


NHỮNG NGÀY THƠ ẤU

Như đã viết, thời thơ ấu của tôi không có gì xuất sắc. Phạm vi hiểu biết của tôi chỉ là đoạn đường từ nhà đến trường học. Tôi học Tiểu Học ở trường Tiểu Học Thạch Long và khép kín thời thơ ấu của mình trong sách vở.

Tới tháng 6/1965, Mũi Né chưa có trường Trung Học. Tôi phải chuẩn bị hành trang để thi vào Ðệ Thất tại Trung Học Phan Bội Châu. Tôi xin phép nghỉ học trước một tháng để vào Phan Thiết học luyện thi. Tôi được học luyện thi đệ thất tại trường bà Năm Thông ở Lại An. Tại đây, tôi làm quen với Kim Ngọc và Phú Long. Chính nơi này, tôi và chiến hữu của tôi chịu trách nhiệm tái chiếm trong những ngày Phan Thiết hấp hối.

Rồi cũng như những ngày thơ ấu khác, khởi hành từ Phan Thiết, “sáng xách cà-men đi, tối xách về” trong những ngày luyện thi.

Khi khóa luyện thi sáp mãn, một chiều nọ, chúng tôi nghe nhiều tiếng súng và hai bên bắn nhau dữ dội ở ngay bên cạnh trường mình. Các cô quá sợ hãi nên chui xuống gầm bàn. Nhiều cậu chạy tán loạn. Tôi băng đại qua những tầm đan và chạy bộ về cầu Sở Muối. Dì tôi quá lo, cho người đi đến cầu Sở Muối theo dõi tin tức và đón tôi ở đó.

Ðây là lần đầu tiên tôi đối diện với chiến tranh trên quê hương mình. Chiến tranh là chiến tranh, tuổi trẻ miền Nam vẫn hờ hững. Tuỏi trẻ miền Nam vẫn không bị nhồi sọ theo đường hướng chính trị định sẵn, ngoại trừ tuổi trẻ miền Nam ở những vùng có sự kiểm soát của Việt Cộng.

Trong năm này, tôi được trúng tuyển vào Ðệ Thất, để trở thành một trong 300 tân học sinh của Trung Học Phan Bội Châu. Sự học lại chi phối đời sống của tôi.

Ðến năm 1968, cũng như mọi năm, tôi về Mũi Né ăn tết. Sáng mùng 5 tết, cậu tôi _ Huỳnh Minh Vận (PBC) và tôi dự định trở lại Phan Thiết. Bà Ngoại tôi không đồng ý vì cho là mùng 5 xui. Chúng tôi không tin, nhưng chìu bà nên hoãn lại ngày đi tới hôm sau. Cũng trong ngày đó, chúng tôi nghe tin Việt Cộng đánh vào Phan Thiết. Gần cả tháng sau, chúng tôi mới trở lại Phan Thiết được.

Khi trở lại Phan Thiết, nhà Dì tôi ở đường Hải Thượng Lãn Ông bị tróc ngói. Nhà người bạn cùng liên lớp ở kế bên (nhà của Phan Chưởng Lý) bị đạn B40 bắn mất mặt tiền. Chúng tôi vừa học, vừa dọn dẹp nhà cửa. Ðêm đến, cả nhà phải tạm thời di chuyển đến nhà quen ở đường Ngư Ông tá túc qua đêm. Việc di chuyển tạm thời phải kép dài cả tháng. Sau đó, chúng tôi ở nhà ban đêm.

Một đêm, cả nhà ngủ trong hầm. Vì nóng, Cậu tôi và tôi ngủ trên hầm. Tiếng đạn pháo kích bay vèo vèo và nổ lớn. Mảnh đạn bay rào rào trên nóc nhà Dì tôi. Chúng tôi phóng xuống hầm. Nghe tiếng la khóc ở nhà bên. Chúng tôi chạy ra. Phan Chưởng Lý bị trúng đạn pháo kích và chết.

Phan Thiết trông thê thảm. Ðây là lần thứ hai tôi biết tới chiến tranh. Tuy nhiên, chiến tranh vẫn không ảnh hưởng tới chúng tôi.

Cho tới bây giờ, tôi vẫn thương xã hội tự do của Việt Nam Cộng Hòa. Chúng tôi có cả tuổi trẻ, có hoàn toàn tự do suy tư, có đủ thứ quyền hạn và thời gian của mình. Chúng tôi không bị bắt buộc phải hoan hô hay đã đảo ai, dù kẻ thù là Việt Cộng, đang pháo kích vào nhà dân, đang đánh nhau với lính ...

Cũng trong năm này, tôi được biết tôi chỉ có đủ điều kiện để học hết lớp Ðệ Tam vào năm tới và không còn đủ điều kiện để học cho hết trung học. Ba tôi khuyên tôi về đăng vào Nghĩa Quân sau khi hoàn tất Ðệ Tứ. Tôi không đồng ý. Tôi quyết định học hết Ðệ Tam rồi đi lính, chấp nhận ngả rẽ cuộc đời, dù phải đi bất cứ nơi nào. Tôi vẫn không có những suy tư nào khác ngoài việc học.

Cuối lóp Ðệ Tứ, tháng 6/1969, có người quen làm học bạ giả cho tôi xong mới cho tôi biết và kêu tôi vào Sài Gòn gấp để lo thủ tục nhập học lớp Ðệ Nhị trường trung học tư thục Huỳnh Thị Ngà. Ðây quả là sự bất ngờ. Tôi vào Sài Gòn lo thủ tục. Tôi ở nhà người cậu tại Thị Nghè. Hàng ngày, tôi lội bộ trên đường Hồng Thập Tự, qua Ðinh Tiên Hoàng, đến Ða Kao. Tại trường Huỳng Thị Ngà, tôi nhận thấy thầy giáo hay, tận tâm nhưng học trò không chịu học. Thày ra toán. Nữ sinh giũa móng tay. Nam sinh ngồi chơi, đấu láo. Học trò không làm bài. Cuối cùng, thày giảng toán. Học trò chép bài giảng.

Xuất thân từ Phan Bội Châu, nơi có thày dạy, có học trò chăm học, tôi không chịu đựng được cảnh học hành tại trường Huỳng Thị Ngà. Tôi quyết định bỏ trường, về lại Phan Thiết, ghi danh vào trường Bồ Ðề. Ít ra, tại trường Bồ Ðề, vẫn còn có những học trò chịu học.

Lúc thi Tú Tài phần I, trong phòng thi của tôi còn có những bạn học cũ thi nhảy. Tôi bị một người bạn giựt bài thi. Tôi bối rối bỏ sót một trang không viết bài. Tuy sợ thi rớt, tôi mất hết hy vọng. Chính điều này chi phối các bài thi khác của tôi. Nhưng may thay, tôi được trúng tuyển, dù không cao.

Năm 1970, sau khi đậu Tú Tài I, tôi làm đơn xin vào lại Phan Bội Châu và được chấp nhận. Tôi học Ðệ Nhất Phan Bội Châu. Tôi hoàn tất trung học và đậu Tú Tài II vào giữa năm 1971.

Tôi rời Phan Thiết lần nữa để vào Sài Gòn theo học Luật. Luật là ngành tôi không thích. Tôi thích MPC ờ Khoa Học hơn. Nhưng tôi có linh cảm tôi không thể hoàn tất cử nhân. Luật Khoa có thể giúp tôi học hàm thụ dễ dàng. Và, tôi chọn Luật. Khi học Luật, tôi phát giác ra rằng, ngành nào cũng có cái hay của nó.

Trong những ngày cuối của năm thứ nhất Luật Khoa, chiến sự bùng nổ mạnh vì Mùa Hè Ðỏ Lửa. Sắc Luật 2/1972 của Tổng Thống Thiệu ban hành cắt tuổi hoãn dịch học vấn. Dù đậu hay rốt chứng chỉ 1 Luật Khoa, tôi cũng phải đi lính.

Tôi lo thủ tục đăng Hải Quân vì tôi thích cảnh lênh đênh trên biển. Nhưng sau cùng, tôi phải dẹp bỏ ý định này vì cần thì giờ để lấy cho được chứng chỉ 1 Luật, công trình của một năm học vấn, thay vì ôn toán cho thi tuyển vào Hải Quân mà tôi nhắm không tranh nổi với các sinh viên MPC, MGP ...

Tôi đậu chứng chỉ 1 Luật và đi trình diện nhập ngũ ở Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ (trại Lê Văn Duyệt).

Cuộc đời đi vào ngả rẽ. Ðời binh nghiệp bắt đầu...


NHỮNG NGÀY XA PHAN THIẾT

Các sinh viên bị động viên quá đông. Trung tâm huấn luyện Thủ Ðức không còn đủ chỗ nữa. Một buổi sáng mờ sương, tôi được gọi tên với nhiều người khác lên máy bay C130. Chuyến bay đưa chúng tôi đến Nha Trang và xe GMC chở chúng tôi về trường Hạ Sĩ Quan Ðồng Ðế. Nơi đây, chúng tôi được chia làm ba Tiểu Ðoàn. Tiểu Ðoàn 1 và 2 SVSQ có ít nhất một chứng chỉ quân sự học đường nên sẽ phải thụ huấn chỉ 16 tuần lễ. Tiểu Ðoàn 3 chúng tôi không ai có quân sự học đường nên sẽ phải thụ huấn 24 tuần lễ.

Tiểu Ðoàn 1 mang khóa 3/72 SVSQ. Tiểu Ðoàn 2 là khóa 4/72A SVSQ. Tiểu Ðoàn 3 chúng tôi là khóa 4/72B SVSQ. Lẽ ra chúng tôi phải ra trường vào tháng 6/1973. Vì nhu cầu đi chiến dịch chiến tranh chính trị nên chúng tôi ra trường vào tháng 9/1973. Cấp bậc chính thức được hồi tố từ tháng 6/1973, Tôi đi chiến dịch hai tháng tại Phú Bổn và hai tháng tại Phú Yên.

Trong thời gian chiến dịch, tôi phát giác ra là tài liệu trang bị cho chúng tôi là những tài liệu cũ nên không thích hợp với tình thế, nhất là sau khi Hiệp Ðịnh Paris được ký kết. Tôi phải mua báo hàng ngày để được tặng bản văn Hiệp Ðịnh Paris, theo dõi sự vi phạm của Việt Cộng. Từ đó, tôi họp các bạn, phân tích các điều khoản trong hiệp định và trang bị cho nhau lý luận cần thiết để nói chuyện với đồng bào và các cấp nơi công tác.

Khi ra trường, tôi muốn trở về phục vụ tại Bình Thuận nhưng Bình Thuận không nhận người trong khóa tôi. Tôi chọn Bạc Liêu.

Tại tiểu khu Bạc Liêu, tôi được điều động về Ðại Ðội 2, Tiểu Ðoàn 489 ÐPQ. Ðầu tiên, tôi được bổ nhiệm làm trưởng đồn cấp đại dội trừ. Cấp số trong đồn chỉ có 12, 13 người, kể cả tôi. Ðồn này mớÔi thành lập không lâu, nằm gọn trong vùng địch và thường xuyên bị VC pháo kích. Tôi hiểu rằng Chuẩn Úy mới ra trường rất dễ bị khi dễ. Tôi đã dằn mặt trong bài nói chuyện đầu tiên tại đồn. Trung Sĩ Kỳ, cũng dân Phan Thiết, luôn luôn thử tài tôi. Một hôm, khi đi hành quân bên ngoài và dùng cơm ở nhà vợ của một tay kinh tài VC, anh ấy bỏ quên khẩu súng Colt 45. (Tưởng cũng nên nhắc lại, tại những vùng VC kiểm soát, hầu hết dân trong vùng này là bà con VC. Vào xóm, những thanh niên đều có hình trên bàn thờ, nhưng trên thực tế, họ còn sống và đang theo VC trong bưng. ) Anh Kỳ lo lắng quá. Anh đề nghị mở cuộc hành quân gấp để anh ấy đi lấy lại khẩu súng. Tôi không chấp nhận. Tôi bảo anh ấy hãy ngủ ngon, sáng mai tôi dẫn quân ra lấy súng lại cho anh. Tôi bảo đảm là bà ấy sẽ dâng súng cho anh ấy. Anh không tài nào chợp mắt. Tôi biết. Tôi vẫn tỉnh bơ. Sáng hôm sau, tôi dẫn quân ra và bà ấy vào tủ lấy khẩu súng Colt tr cho chúng tôi. Anh Kỳ hỏi tại sao tôi biết bà ấy trả súng. Tôi trả lời rằng đêm anh ấy bỏ lại súng, bà ấy thông báo cho VC đến phục kích. Về phương diện tâm lý, chúng tôi phải ra lấy súng. VC sẽ tiêu diệt toán quân này rồi tiêu diệt đồn chúng tôi. Chúng tôi không ra, VC không biết chúng tôi có những toan tính gì. Tới sáng, họ phải rút lui. Nếu họ lấy luôn cả súng theo, chúng tôi có thể không để yên cho gia đình họ. VC có thể cho rằng chúng tôi để lại súng như miếng mồi để nhử họ hay gia đình họ. VC đành phải trả lại. Anh Kỳ bắt đầu nể tôi.

Tôi biết rằng, chiến tranh Việt Nam không chỉ dựa trên súng đạn mà còn có cả yếu tố chính trị. Dân địa phương cũng là yếu tố quan trọng để quyết định chiến tranh. Tôi tìm hiểu tâm lý lính, tâm lý dân. Một buổi sáng, tôi kêu một người lính mà tôi nghĩ anh ấy là người nhiều chuyện nhất. Tôi tự vẽ bản đồ ruộng lúa trong khu vực hành quân. Bảo anh ấy cung cấp cho tôi chủ nhân những thửa ruộng đó. Anh ấy tò mò hỏi lại tôi biết để làm gì. Tôi trả lời rằng, đến khi lúa cao, VC sẽ từ trong các đám ruộng bắn sẻ ra. Tôi biết trước để chấm điểm và gỏi về cho pháo binh. Trong tương lai, viên đạn bắn ra từ đám ruộng nào, tôi chỉ cần cho mật mã thì đám ruộng ấy bị cày nát. Ðúng như sự dự liệu của tôi, tin tức được lan ra nhà dân. Mùa lúa cao, không có viên đạn nào từ trong lúa bắn sẻ chúng tôi.

Ðiều mà tôi không đồng ý tại miền Tây là tình trạng lính ma, lính kiểng. Tôi bất mãn nhất là chúng tôi phải đi mở đường, hy sinh vài chiến hữu để cho một lính ma về nhà an toàn. Một Ðại Ðội, trên cấp số là 120 người nhưng trên thực tế chỉ có 25 hay 30 người. Có lần, cả đại đội tôi đi hành quân chỉ có 13 người. Khi một sĩ quan được thăng cấp được vài tháng thì có cơ nắm Ðại Ðội Trưởng. Một khi được làm Ðại Ðội Trưởng, Tiểu Khu gởi đến mười lính ma, An Ninh Quân Ðội Tiểu Khu gởi vài lính ma rồi tới Chi Khu, Anh Ninh Quân Ðội Chi Khu ... Cuối cùng quân số chỉ có trên cấp số. Nếu bị thanh tra, chính Ðại Ðội Trưởng lãnh đủ. Ðại Ðội Trưởng đành phải kiếm thêm một số lính ma, lính kiểng để lo lót khi cần. Khi có lính ma tức là mình có fault và càng bị sự chèn ép của áp lực An Ninh Quân Ðội. Tôi không thích như vậy. Thà tôi làm Trung Ðội Trưởng với đủ quân số hơn là làm Ðại Ðội Trưởng trong tình trạng thiếu quân số. Tôi xin thuyên chuyển về Bình Thuận.

Trước khi về Bình Thuận, Tiểu Ðoàn chúng tôi được tăng phái cho Tiểu Khu An Xuyên (Cà Mau). Ðại Ðội chúng tôi đóng tại Căn Cứ Tân Phú, gần ngã ba Kiên Giang, Chương Thiện và An Xuyên. Ðồn chúng tôi dành cho cấp Tiểu Ðoàn nhưng 20 mạng chúng tôi phải thủ ở đó. Ðồn rộng, chúng tôi không đủ cấp số để gác, phải kéo dài giờ gác và phải bỏ trống nhiều vọng gác. Ðiều đạc biệt mà tôi ghi nhận nơi vùng Huyện Sử, Thới Bình này là đất rất dễ cháy. Một cục đất bất cứ nơi nào có thể nấu cả nồi cơm mà chưa tàn. Tổ ong thì vô số, Những vũng B52 xưa thì đầy cá lóc và cá trê. Chúng tôi dùng đan cũ của pháo binh con lại trong đồn để đi rà cá. Chúng tôi giữ cá để ăn cả tuần lễ. Chính đất cháy này đã bốc cháy khi một người lính trong đại đội tôi vô tình bỏ rơi tàn thuốc. Ban ngày, vùng đất cháy lên khói. Ban đêm, vùng đất cháy phát ra lửa ngọn. VC đã điều dộng Tiểu Ðoàn Z 7, Z 8, Tiểu Ðoàn Quyết Thắng và các lực lượng du kích để tấn công chúng tôi theo chiến thuật công đồn, đã viện làm một Trung Ðoàn của Sư Ðoàn 21 bị đánh tan khi đến tiếp viện chúng tôi. Trong thời gian bị vây một tuần lễ, đan gần hết, thực phẩm không còn. Tất cả những Chuẩn Úy và tôi họp nhau đề nghị bỏ đồn nếu không được tiếp tế đạn dược và thực phẩm. Ðại Ðội Trưởng chúng tôi, Thiếu Úy Rao, gọi máy về Tiểu Ðoàn Trưởng và báo cáo là các Chuẩn Úy đòi bỏ đồn. Khi được hỏi, ông ta nói đích danh tôi muốn bỏ đồn. Tôi nói chuyện trực tiếp với Tiểu Ðoàn Trưởng rằng chúng tôi tử thủ có điều kiện và điều kiện đó là là có đạn và thực phẩm để chống giặc. Nếu không, bỏ đồn là việc phải làm để bảo tồn sinh mạng anh em.

Trong sự thất vọng, lính bỏ đồn làm hai đợt. Ðợt 1, chúng chạy về trình diện Tiểu Ðoàn. Ðợt 2, chúng bị bắt sống trên đường về trình diện Tiểu Ðoàn. Tôi nghe tiếng súng bắn chỉ thiên, tôi lo lắng vì trong đám chạy đi có người truyền tin trung đội và đang mang trong mình mật lệnh tuyền tin. Tôi đề nghị thay đổi mật lệnh truyền tin và chuẩn bị kế hoạch tuệt thoái. Thiếu Úy Rao không đồng ý. Ðêm nay, lính bỏ đồn, chỉ còn sĩ quan và vài hạ sĩ quan. Tôi đoán là VC sẽ tấn công trong đêm. Tôi khuyên Thiếu Úy Rao làm kế hoạch di tản để tản thương, bảo toàn lực lượng còn lại và bảo toàn số súng chúng tôi còn giữ trong đồn. Giặc đang vây bên ngoài, Thiếu Úy Rao lưỡng lự. Kế hoạch của tôi là gọi pháo binh bắn đạn chụp từ trong đồn bắn ra. VC sẽ trốn đạn và chúng tôi đi ra từ cổng chính. Khi chúng tôi ra khỏi đồn được vài trăm thước, tất cả mìn tự động trong đồn nổ, lửa rực trời. Chúng tôi di tản về Tiểu Ðoàn.

Trong khi ở Bạc Liêu, có lần các bạn rũ tôi đi coi bói nơo ông sư người Miên. Tôi không thích coi bói, chỉ đi theo chơi thôi. Tôi nói là nếu nói đúng chuyện quá khứ thì quá thừa. Nếu nói chuyện tương lai mà xấu thì chỉ làm lo thêm thôi. Khi đến nơi, từng người coi. Ðến lượt tôi, tôi không coi. Ông sư Miên bắt phải coi vì có người đặt tiền cho tôi rồi. Tôi ngồi xuống. Ông hỏi tôi muốn coi gì. Tôi bảo là tôi xin thuyên chuyển về quê, có được không. Ông hỏi quê tôi ở hướng nào. Tôi chỉ về hướng Phan Thiết. Ông chỉ chiều ngược lại (tức Cà Mau). Ông nói rằng, trong tháng 7, tôi đổi đơn vị và bị thương chân, có thể cụt cả chân. Tôi nói với người yêu, nếu phen này, rủi mà mất chân thì tình minh coi như chấm dứt. Sau đó, tôi xin về phép Phan Thiết. Khi trở lại Bạc Liêu, tôi không vào Ðại Ðội vì tôi không thích Thiếu Úy Rao. Ông ta không có trách nhiệm. Tôi ở chơi tại nhà người yêu. Hai tuần sau, tôi đi thẳng xuống Cà mau, vào Huyện Sử để trình diện Tiểu Ðoàn và xin đi đơn vị khác. Tiểu Ðoàn Trưởng hỏi tôi, tôi muốn chọn Ðại Ðội Chỉ Huy Yểm Trợ hay Ðại Ðội nào. Tôi trả lời, trừ Ðại Ðội Chỉ Huy Yểm Trợ và Ðại Ðội tôi đang ở, Ðại Ðội tác chiến nào cũng được. Bây giờ là tháng 7 âm lịch. Ông ta cho tôi về Ðại Ðội 1, thay thế bạn tôi. Về don vị mới, tôi không thể vì tin thầy bói mà trốn tránh trách nhiệm. Tôi vẫn dẫn quân đi hành quân. Vài ngày sau, tôi bị lựu đạn nội hóa, bị thương cả hai chân.

Sau khi xuất viện từ bệnh viện Cà Mau, tôi được sự vụ lệnh thuyền chuyển về Bình Thuận, tháng 12/1974.

TRỞ LẠI BÌNH THUẬN & NHỮNG NGÀY PHAN THIẾT HẤP HỐI

Tôi về lại Bình Thuận thân thương, nhìn lại trường cũ, thầy xưa, gặp lại bạn bè năm nào trong vui sướng.

Tuy nhiên, về lại Bình Thuận lần này, tôi chưa được ổn định. Tôi được đưa về Tiểu Ðoàn 249 ÐPQ dưới sự điều động của Thiếu Tá Sang. Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn đóng lưng chừng núi Tà Dôn. Sau đó, chúng tôi đóng ở Bình An và Bình Lâm. Vì vết thương của tôi còn nhiều mủ nên tôi được giao phó làm phụ tá Ban 3 của Trung Úy Ba. Tôi chưa quen nhiều người tại Phan Thiết. Tôi chỉ biết những sĩ quan trong tiểu đoàn như Trung Úy Thời (người Lại An), Ðại Uý Tập (Mũi Né), Thiếu Úy Ba (bạn học cũ, PBC 72, Lại An), Thiếu Úy Quận (Y Sĩ Tiểu Ðoàn) và những người khác thì tôi đã quên tên. Ðiều tôi thấy sung sướng là cấp số trong đơn vị đầy đủ. Tôi tự hào về Bình Thuận. Theo chỗ tôi biết, mỗi đêm ông anh em về nghỉ, và luân phiên hết người nọ đến người kia. Khi trở lại, có những anh em đem cá, mực lên nhậu chơi. Tinh thần này đã khác biệt hoàn toàn với những đơn vị của tôi tại Bạc Liêu. Tình huynh đệ chi binh, tình chiến hữu thật là đậm đà.

Khi còn đóng quân tại núi Tà Dôn, Trung Úy Ba đề cử tôi đi theo đoàn khai quang của Công Binh vài ngày để tiếp ứng khi cần. Khai quang gần Tùy Hòa. Ngày khai quang cuối cùng, màn đêm buông xuống. Hai anh Công Binh rủ tôi vào quán nhậu rồi đưa tôi về sau. Tôi không đi. Tôi gọi máy về nhờ Tiểu Ðoàn cho người đến rước. Khi tôi được rước về Tiểu Ðoàn, vừa bước xuống xe thì hay tin hai anh Công Binh khi nãy đã bị VC bắn lật xe chết rồi. Thế là tôi thoát chết trong gang tất.

Tháng 3/1975, mất Ban Mê Thuộc, “tàn quân” chạy trên quốc lộ 1. Tôi chỉ nghe kể là chết chóc nhiều trên đường chạy loạn. Người giết người để cướp vàng, tiền. Xe hết xăng bị đẩy khỏi đường ..
.
Về đến Phan Thiết, những người này đốt kho xăng, bắn vào các tiệm ở đường Gia Long, đốt chợ Phan Thiết ... Sự thật thì tôi không nắm vững vì luôn luôn có mặt tại trận tuyến. Tỉnh Trưởng Bình Thuận chận lại, không phát lương cho binh sĩ. Chúng tôi không lãnh lương trọn hai tháng 3 và 4/1975.

Ðến đầu tháng 4/1974, Ðại Úy Huỳnh Văn Quý thay thế Thiếu Tá Sang, làm Tiểu Ðoàn Trưởng chúng tôi. Tiểu Ðoàn chúng tôi được điều động đến tái chiếm Phú Long. VC đã chiếm hai bên đường của Quốc Lộ 1. Chúng tôi di chuyển lên từ hướng Phước Thiện Xuân. Chúng tôi đóng quân cách VC trong gang tấc và cách Quốc Lộ 1 khoảng 50 thước. Nhiệm vụ của chúng tôi thật nặng nề, vừa tái chiếm Phú Long, vừa bảo vệ tài sản và nhà cửa dân.

Ðối với chiến thuật chiến tranh trong thành phố mà chúng tôi học được qua phim ảnh, người Mỹ đã dùng lựu đạn và vũ khí để chiếm lại từng căn nhà. Khi chiếm được khu vực nào thì nhà cửa của khu vực đó coi như thê thảm. QLVNCH thì nghèo nàn hơn, không thể dùng số lượng đạn dược như vậy cho chiến tranh trong thành phố. Vả lại, chúng ta cần bảo vệ cả tài sản dân.

Lúc này, dân Phú Long đã di tản hết. Tiểu Ðoàn chúng tôi tiến từng bước một, chậm, vì VC nằm trong bóng tối đâu đó trong khi mình di chuyển trên hướng quan sát của địch. Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn đóng quân nới nào thì chỉ trong vòng 10 phút, VC pháo tới đó. Có lần, Ðại Úy Quý đã đơn thân độc mã ra quan sát chiến trường. VC bắn vào áo giáp của ông mà đầu đạn vẫn còn trong áo.

Sau vài ngày, chúng tôi cũng đã giải tỏa được khu vực bên này Quốc Lộ 1, tiến đến được mặt đường, có chốt đóng ngay cầu Phú Long. Tin đồn bắt đầu bất lợi là có nhiều đoàn xe VC tiến về Phan Thiết, Ðại tá Nghĩa đã ra biển Thương Chánh để chỉ huy và sẵn sàng rời bỏ Phan Thiết bất cứ giờ phút nào.

Trong tình trạng khẩn cấp, tôi được lệnh đem thêm một người lính và khẩu cối 81 đến đồn Nghĩa Quân Phước Thiện Xuân. Tại đây, tôi vận dụng kiến thức toán học của mình để làm ra bảng tác xạ. Khi tôi được thông báo địa điểm, trong chớp nhoáng, đạn 81 sẽ tới đó khá chính xác.

Thời gian không còn tác dụng trên chúng tôi hay nói đúng hơn, tôi không còn biết đến ngày tháng nữa. Sau này, tôi chỉ dựa vào sách để biết ngày mất Phan Thiết chứ thật tình tôi không biết là ngày 18, 19 hay 20/4/75.

Trong ngày cuối cùng, Trung Úy Ba gọi tôi lên đài quan sát coi VC đi về hướng nào. Ðài quan sát tuy cao nhung tôi không thể thấy được gì. Ðêm ấy, tôi được lệnh bắn cối dồn dập nhưng chính xác về các tọa độ được cho. Chúng tôi bắn đến viên đạn cuối cùng. Khi tôi báo cáo hết đạn 81, tôi được lệnh xếp càng súng, bỏ sẵn trên xe và đợi lệnh.

Trung Úy Ba vừa cười vừa nói với tôi: “ Thắng, mày đừng có chạy trước nghen”. Tôi trả lời: “ Tôi sẽ chờ Tiểu Ðoàn, có di thì cùng đi, có chết thì cùng chết”.

Tôi theo dõi tình hình qua máy truyền tin của tôi. Một lát sau, có báo cáo từ chốt cầu Phú Long là xe tăng VC đến cầu Phú Long. Họ chạm trán nhưng không bên nào nổ súng, xin lệnh từ Tiểu Ðoàn. Ðại Úy Quý gọi về Tiểu Khu xin lệnh. Lệnh từ Tiểu Khu, Tiểu Ðoàn chúng tôi về “Mã Trái Bí” chờ lệnh mới. Xe với súng cối chúng tôi chờ sản trước cổng đồn Nghĩa Quân Phước Thiện Xuân. Tiểu Ðoàn chúng tôi di chuyển gần tới chỗ tôi.

Trưởng đồn Nghĩa Quân Phước Thiện Xuân mà tôi quên tên đã nói rằng: “Tiểu Ðoàn chạy kệ họ, mình phải tử thủ. Ðứa nào chạy tao bắn bỏ mẹ”.
Chính câu nói này làm tôi vẫn còn thấy nhục nhã từ ngày cuối cùng của Phú Long, của Phan Thiết. Sau ngày mất Phan Thiết, trong thâm tâm tôi, tôi luôn luôn kính phục người trưởng đồn Nghĩa Quân này. Khi cải tạo ra, tôi hỏi thăm tin tức về anh ta và nghe nói anh ấy vào rừng tiếp tục chiến đấu.

Tiểu Ðoàn tôi rồi cũng đến. Tôi tháp tùng với Tiểu Ðoàn, di chuyển về Mã Trái Bí (mật mã của Lầu Ông Hoàng). Tiểu Ðoàn đã liên lạc về Tiểu Khu nhưng không liên lạc được. Chúng tôi đành nằm đó chờ lệnh. Khoảng nửa tiếng sau, chúng tôi liên lạc được với Tiểu Khu và được lệnh về hợp tác với Thiếu Tá Cao (Hải Long). Chúng tôi đi bộ suốt đêm để tiến về Mũi Né. Ai cũng mệt mỏi nhưng không ai được nghỉ ngơi. Tới gần sáng, chúng tôi đến cuối Rạng. Chúng tôi thấy nhiều người lính bỏ ngủ, uể oải đi về. Chúng tôi chận hỏi, họ nói Thiếu Tá Cao (Chi Khu Trưởng Hải Long) đã ra tàu đi rồi, không còn ai, chi khu bỏ trống. Chúng tôi ngỡ ngàng. Chúng tôi vẫn tưởng được hợp tác với Hải Long để tiếp tục chiến đấu.

Chúng tôi không còn ý định đi về Chi Khu Hải Long. Chúng tôi về bờ biển Mũi Né. Lúc này, không còn ai chỉ huy ai. Một sự tan hàng trong thầm lặng.
Về đến Mũi Né, chúng tôi ở ngay trước nhà Dì tôi. Tôi không vào. Một số sĩ quan đón ghe đi Long Hải. Tôi không có tiền từ hai tháng nay. Không đồng xu dính túi. Thiếu Úy Quận trả tiền ghe cho tôi. Ghe chập cứng người, đa số là lính. Ghe gần chìm mà chủ ghe chưa cho chạy. Chúng tôi sợ khi mặt trời lên thì VC nhào vô. Chúng tôi nóng lòng. Tôi băng đạn bỏ vào túi, đưa súng lên, chỉ vào bà chủ ghe và ra lệnh cho chạy. Bà sợ quá kều chồng cho ghe chạy. Thiếu Úy Quận ra can. Tôi cười và chỉ vào ổ đạn trống trong súng.

Ghe chạy, tiến về Long Hải. Trên đường đi ngang qua Bình Tuy, tôi thấy xác người tri lềnh bềnh trên biển. Có người nói: “Nhìn xác kìa, ai ngửa mặt là đàn bà, ai úp mặt là đàn ông”. Tôi quan sát. Ðúng như vậy. Ðúng 100%. Tôi nhìn biển, nhìn về hướng Phan Thiết. Tôi thầm bảo: “Giã từ Phan Thiết, vĩnh biệt Phan Thiết”.

Ðến Long Hải trong chiều. Tôi gặp Ba tôi. Hai cha con đi với nhau trong những ngày tháng tại Long Hải. Tôi nghe tin Ðại Tá Nghĩa vận động tái chiếm Phan Thiết. Tôi đi tìm nhưng chẳng gặp ai. Tôi không biết liên lạc ai để trình diện. Khi nghe bài diễn văn từ chức của Tổng Thống Thiệu. Tôi liên tưởng tới ngày mất nước. Vài người bạn Mũi Né va tôi dự định lấy tàu vượt biên nếu mất Sài Gòn. Chúng tôi chỉ còn hy vọng cuối cùng là Mỹ có thể dùng chiến thuật như tại Nam Hàn ngày xưa, hoặc bỏ Sài Gòn về cố thủ miền Tây.
Hôm sau, hai cha con tôi nhận được lá thư từ Má tôi, kêu về. Tôi xa Mũi Né từ bậc Trung Học, xa nhà, đi lính xa xôi. Trong tình cảnh này, nếu hai cha con cùng bỏ nước ra đi thì Má tôi và các em nhỏ ra sao. Tôi lưỡng lự, so sánh rất lâu và quyết định về lại quê xưa để cùng chia xẻ ngọt bùi.

Tàu về bến Khánh Thiện. Tôi ghé thăm ông bà Ngoại. Má tôi cũng có ở đó. Má tôi thúc giục tôi đi trình diện. Tôi không kịp về nhà để sắp xếp. Hai cha con đi trình diện. Má tôi đến nơi với tôi. Tôi yêu cầu Má tôi mang hết quần áo của tôi. Tôi tin rằng lần này có đi nhưng không biết có về không. Má tôi la tôi: “Cách Mạng nói đi học tập 10 ngày thôi mà!”.
Tôi trả lời: “Nếu chính sách đúng đán thì mọi người phải nói giống nhau. Ðằng này, mỗi người nói một kiểu. Con có cảm tưởng họ đang che dấu điều gì. Nhưng con tin rằng, nếu có về thì lâu lắm, không phải là 10 ngày”.

Ba tôi và tôi bị đưa vào lao xá. Ở đó, tôi lén đào lỗ bên cạn chỗ ngồi để chôn giấu giấy tờ tùy thân, cả hình ảnh vợ tôi. Vài ngày sau, Ba tôi còn ở lại. Tôi bị đưa đi Cà Tót. Trên đường đi, xe GMC lún sình. Một cán bộ bước xuống la lớn: “Các anh xuống kéo xe lên. Xe chở được cả trăm người các anh mà các anh không khiêng nổi chiếc xe hay sao?”
Tôi mỉm cười và nghĩ rằng đầu óc của cán bộ VC sao bệnh hoạn quá.

Ở Cà Tót, VC hành hạ Thiếu Tá Thổ Thêm. Tôi đã từng nghe tiếng ông nhưng nay mới gặp mặt. Ông ấy già, ốm nhưng đôi mắt sáng. Trong những ngày đầu ở Cà Tót, họ mắng chửi ông đủ điều, bắt ông làm việc liên tục. Ông không nói. Tôi nhìn ông. Ðôi mắt ông vẫn sáng và tự tại. Ông không xin xỏ điều gì. Ông không nói một lời thanh minh. Tôi ngưỡng mộ ông. Ông có phong cách một quân nhân trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sau đó vài ngày VC đưa ông đi đâu mất.

Những ngày ở Cà Tót, chúng tôi phải đi trồng đậu, làm việc tối ngày. Cơm ăn độn khoai với sạn vì gạo được xay từ cối xay tay. Côi lâu ngày, cát sạn lẫn vào với gạo.

Nạn sốt rét. Có lúc tôi nóng tới 40 độ. Mỗi ngày có một hoặc hai người chết. Trại không có thuốc hay VC không muốn cho chúng tôi dùng thuốc. Tôi không biết. Ai được đến trạm xa, được tuyền serum thì coi như là sắp chết tới nơi.

Tôi đã từng chôn chiến hữu, bạn tù của mình. Người chết bị quấn chiếu vào thả vào lỗ như chôn chó. Tôi thấy đau lòng, bùi ngùi. Chúng tôi khắc tên bạn trên cây để ngày sau gia đình họ có thể tìm thấy.

Tin Sài Gòn mất càng làm chúng tôi rã rời, tuyệt vọng. Tôi cảm thấy chúng tôi mất tất cả, mất hết niềm vui.Mười ngày trôi qua, có người nhắc đã đến ngày thứ mười. Tôi cười: “Ðừng nói tới ngày về!”.

Không khí tại Cà Tót trở nên khô khan và âm u. Dường như Thần Chết đang lãng vãng. Một số trong chúng tôi được di chuyển về Song Mao. Một số khác, vài ngày sau được di chuyển về Tà Dôn, Tôi về Song Mao, căn cứ cũ của Trung Ðoàn 53, Sư Ðoàn 23. Ở Song Mao, mỗi sáng chúng tôi 10 người trong một tổ chỉ được một thau cháo. Nhiều anh chàng ăn quá lẹ, làm một lúc vài tô làm nhiều anh em khác đói. Tôi tập ăn cháo nóng đến phỏng cả miệng để đưa ra thực hiện nguyên tắc công bình. Tất cả đồng ý, chia đều cháo cho nhau, mỗi người một chén rưởi.

Tháng 9/1976, tôi được thả về. Trước ngày thả một số chúng tôi, anh cán bộ “lên lớp”: “ Ở trong này tròn bảy, méo ba. Về địa phương tròn ba méo bảy. Nếu các anh không muốn trở lại đây thì ráng giữ im lặng, im lặng ngay cả khi vợ mình lấy cán bộ”. Tôi thấy lòng đau đớn. Không phải tới giờ này, tôi đã hiểu từ lâu “Cộng Sản thì như thế _ hoàn toàn từ chính sách mà ra”.

Khi về nhà, tôi mang trong đầu ý định vượt biên. Tôi không đi đâu cả, chỉ “sáng vác cuốc đi, chiều vác về”. Tôi chỉ điểm liên lạc cho em ttrai tôi. Em tôi thường xuyên báo cáo tình hình. Cuối cùng, chúng tôi tìm được ghe vượt biên vào tháng 9/1977.



Những dòng chữ này không ghi nhận đầy đủ về Phan Thiết trong những ngày hấp hối. Tôi hy vọng nó là một khía cạnh nhỏ, một bầu trời quanh tôi để nhìn lại, để thương Phan Thiết, thương miền Nam Việt Nam và thương sự tự do của đất nước trước năm 1975.

Những dòng chữ này còn để tri ân người lính VNCH. Tôi đã từng không quan tâm đến họ trong thời thơ ấu. Tôi cũng không trách ai hời hợt trong khi tôi là lính.

Tâm tình này hướng dẫn tôi trong mọi hoạt động đấu tranh tại Hải Ngoại. Niềm vui của tôi là việc đưa lá cờ vàng trong các ngày lễ tại Ðịa Phương và gần đây, tượng đài chiến sĩ Việt Úc được thực hiện và đặt ngay trong công viên quốc gia Kings Park, Tây Úc. Tượng đài đang thay tiếng đòi hỏi danh dự lại cho QLVNCH.

LÊ VĂN THẮNG
ÚC CHÂU

2 comments:

ThanhVan_q4 said...

Toi Lam thanh Van danh so 142 daidoi 727 TD3/SVSQ
Di chien dich dot 1 o Song Mao (HAI NINH) tinh Binh Thuan - Dai ta NGO TAN NGHIA tinh truong
Hien con o lai VIET NAM !
Hoc cai tao o Ka tum Tay Ninh !
Ra truong ve CONG BINH thuoc Dai doi C Tieu Doan 21 Cong Binh Su Doan
Dong o Soc Trang - Bac Lieu

ThanhVan_q4 said...

Mình vừa nhận duoc tin ban Huynh van Của !(Dai doi 727/TD3 SVSQ DongDe)
mình có trang blog ở các dia chỉ sau:

http://lamthanhvan.blogdulich.com/

http://www.ngoisaoblog.com/lamthanhvan

ban có thể giao lưu găp mình nhé !