2008/01/05

Câu Chuyện Chiếc Mủ Xanh

Trường Hạ Sĩ Quan QLVNCH

và Câu Chuyện Chiếc Mũ Xanh

Nhân đọc bài Câu Chuyện Chiếc Mũ Xanh của Đại Tá Phan Văn Huấn viết về sự thành lập binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt và Biệt Cách Nhảy Dù, đăng trong tuyển tập Đời Chiến Binh do Gia Đình 81 Biệt Cách Dù Lực Lượng Đặc Biệt phát hành vào mùa hè năm 2007, tôi thấy có một vài sự kiện liên quan đến trường Hạ Sĩ Quan QLVNCH ( Đồng Đế Nha Trang ) nên xin trích ra đây một đoạn để quý niên, huynh trưởng và quý bạn đồng môn tường lãm.

Trên trang 2 và trang 3 của Tuyển Tập Đời Chiến Binh, Đại Tá Phan Van Huấn, Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù từ tháng 8 năm 1970 cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, viết:

"Ngày 22/4/57, tôi vào trình diện BTTM để nhận lệnh mới thì được đưa đến tạm trú tại dãy nhà ở đường Hiền Vương, gần câu lạc bộ sĩ quan An Đông, Chợ Lớn để đợi lệnh. Sau hơn một tháng chờ đợi, hơn 20 anh em mới được đưa ra Vũng Tàu để học lớp truyền tin đặc biệt, đại úy Bùi Thế Minh được chỉ định làm trưởng lớp, đại úy Tống Hồ Hàm làm phó. Một buổi sáng nọ, được nghỉ học để nghe thượng cấp nói chuyện, chúng tôi lên xe ra thẳng bãi sau Vũng Tàu, nơi đây đã được cảnh sát canh gác cẩn thận, không một người dân nào được lai vãng gần nơi đó. Trên một bàn dài kê sẵn, thượng cấp gồm có thiếu tướng Trần Văn Đôn, trung tá Lê Quang Tung, và vài ba vị cố vấn Mỹ. Tôi nhớ lời tr/tá Tung nói: "Các anh là nòng cốt của một binh chủng mới, đó là Lực Lượng Đặc Biệt ( LLĐB ). Sau 3 tháng học lớp truyền tin xong, các anh sẽ học nhảy dù rồi học lớp LLĐB. Sau lớp LLĐB các anh sẽ chính thức hành quân đặc biệt là nhảy vào hậu phương địch để hoạt động, các anh nhớ là khi nhảy dù xuống hậu phương địch thì đã có người đón tiếp và giúp các anh hoàn thành công tác giao phó".

"Sau một tháng học nhảy dù, chúng tôi di chuyển ra Nha Trang, học lớp LLĐB tại trường Biệt Động Đội ở Đồng Đế do một toán LLĐB Mỹ từ Okinawa đến huấn luyện. Đại úy Cramer là trưởng toán, lớp học được hơn một tháng thì trong một cuộc thực tập phục kích gần đèo Rù Rì, đại úy Cramer, một thượng sĩ cố vấn và trung úy Phan Thanh Đàn tử thương vì sơ ý trong việc sử dụng chất nổ! Lớp học vẫn tiếp tục trong sự luyến tiếc những người đã nằm xuống và sự ngờ vực của người Mỹ. Một toán điều tra của Mỹ từ Saigon ra tìm hiểu sự thật một thời gian ngắn và kết luận là cố vấn Mỹ chết vì tai nạn chứ không phải vì một âm mưu phá hoại nào. Mặc dù đã được xác định như thế nhưng chúng tôi đi thực tập, chỉ được mang súng, không được mang đạn dược và chất nổ theo."

"Sau bốn tháng gian khổ học tập, khóa A đầu tiên của binh chủng LLĐB mãn khóa vào tháng 12/57. Các khóa B, C, D sau đó vẫn tiếp tục huấn luyện tại trường Biệt Động Đội Đồng Đế Nha Trang và huấn luyện viên các khóa sau nầy đều do khóa A đảm trách. Vì tính cách quan trọng của việc thành lập binh chủng LLĐB, đại úy Phạm Văn Phú ( thiếu tướng ) và trung úy Trần Hữu Tác ( trung tá ) là khóa sinh khóa B cũng như nhiều khóa sinh ưu tú khác nhập học. Sau khóa D mãn khóa thì có cuộc hành quân thực tập, nhảy dù xuống vùng Xuyên Mộc Đất Đỏ thuộc tỉnh Bình Tuy chừng 2 tuần, cuộc hành quân gồm nhiều toán A, mỗi toán 15 người, toán tôi thì có tr/úy Biên làm toán phó, thượng sĩ Kalani làm cố vấn..." ( 1 )

Trong phần trích dẫn ngắn trên, chúng ta thấy trước khi được chính thức đổi tên là Trường Hạ Sĩ Quan, thì Trường Biệt Động Đội Đồng Đế Nha Trang đã là nơi huấn luyện các cấp chỉ huy đầu tiên của binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt, ngoài Đại Tá Huấn sau nầy là Chỉ Huy Trưởng của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, còn có Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn 2 Quân Khu 2, tuẫn tiết khi nghe Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, và các vị sĩ quan cao cấp khác.

Trong bài viết, Đại Tá Phan Văn Huấn chỉ nhắc đến vài câu chuyện khi ông bị giam ở trại Nam Hà, miền Bắc, và cho biết ra tù vào năm 1988. Riêng cá nhân tôi, được biết thêm là vào năm 1983, Đại Tá Huấn cùng nhiều sĩ quan cao cấp khác được chuyển về Nam. Tôi lúc ấy đang ở đội 24, phân trại C, Xuân Lộc, do anh Lê Hữu Chiêu làm đội trưởng ( 2 ). Các vị Đại Tá Huấn, Tạ Thành Long ( 3 ), Nguyễn Ngũ Hiệp ( 4 ), Cao Nguyên Chiểu ( 5 ) cùng 2 vị Đại Tá khác mà tôi không nhớ tên nhập vào đội 24 cùng chúng tôi. Lúc bấy giờ ở phân trại C Xuân Lộc có một số anh em trẻ bị giam vì liên quan đến các phong trào phục quốc sau năm 1975. Trong thành phần phục quốc nầy có một số gốc là binh sĩ thuộc Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù. Khi hay tin ông thầy cũ về trại, các anh đến thăm hỏi rất cảm động. Mỗi cuối tuần, tức ngày Chủ Nhựt không đi làm, ít khi thấy Đại Tá Huấn ở trong đội, vì các anh em 81 BCD đã mời ông đến buồng của họ để ăn uống, hàn huyên. Điều nầy là một chứng minh hùng hồn rằng Đại Tá Huấn là một cấp chỉ huy tài ba, được anh em dưới quyền ông kính mến nên dù trong hoàn cảnh sa cơ, vẫn được anh em kính trọng, thương yêu.

Dù rằng lúc Đại Tá Phan Văn Huấn, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú và các cấp chỉ huy đầu tiên của Lực Lượng Đặc Biệt thụ huấn ở Trường Biệt Động Đội Đồng Đế thì danh xưng Trường Hạ Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chưa ra đời, nhưng huynh đệ đồng môn chúng ta cũng cảm thấy hãnh diện đã được đào tạo từ cùng một quân trường với những cấp chỉ huy quân sự tài ba, dũng cảm. Được chọn để làm nơi huấn luyện các cấp chỉ huy đầu tiên của Lực Lượng Đặc Biệt, một binh chủng thiện chiến với những nhiệm vụ rất cam go của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Trường Hạ Sĩ Quan QL.VNCH Đồng Đế Nha Trang thật xứng đáng với danh hiệu " lò luyện thép tân tiến nhứt Việt Nam ".

Connecticut, ngày 5 tháng giêng năm 2008

Bùi Ngọc Trung

Ghi chú:

( 1 ) phần trích đăng nầy đã được chính Đại Tá Phan Văn Huấn cho phép qua cuộc điện đàm chiều ngày 5 tháng 01 năm 2008.

( 2 ) Anh Lê Hữu Chiêu hiện nằm trong Ban Cố Vấn Hội Ái Hữu Quân Trường Đồng Đế.

( 3 ) Ủy Ban Liên hợp Quân sự 4 bên.

( 4 ) cựu Tổng Giám Đốc ( hay Bộ Trưởng? ) Thanh Niên.

( 5 ) Đại Tá Chiểu là bào huynh ( hay bào đệ?) của ông Cao Nguyên Kiểu. Vào năm 1968, Trung Tá Kiểu là Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn Khóa Sinh Trường

Hạ Sĩ Quan Đồng Đế.